“Ối giời ôi, tôi bỏ một đống tiền ra để mua mảnh đất, căn nhà này.
Nhờ nó đứng tên hộ giấy tờ thôi, thế mà bây giờ nó lại bất nhân, bất nghĩa cướp đất, cướp nhà của tôi, đúng là loại ăn cháo, đá bát, đúng loại loại tham lam quá thể đáng. Được rồi, đã thế thì ông kiện cho mày chết nhé. Mày đừng hòng ăn được của ông”
Các bạn thân mến, đây là một đoạn hội thoại than thân, trách phận quen thuộc. Cũng là đoạn hội thoại tỏ ra bất lực, cay cú, bực bội quen thuộc khi mà quan hệ giữa người bỏ tiền ra mua mảnh đất, cái nhà mâu thuẫn, xung đột lợi ích với người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
Chúng ta hãy cùng đi tìm hiểu về đoạn hội thoại này một cách chi tiết rõ ràng hơn để hiểu về câu chuyện mà tiêu đề đề cập: “Mua đất, mua nhà nhờ người đứng tên hộ – liều lĩnh ghê ta? Coi chừng hậu họa nhá?” nhé!
1. Thực tế hiện nay về vấn đề này
Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, nên nhiều người mua đất, mua nhà mặc dù là tiền họ bỏ ra toàn bộ nhưng lại để người khác đứng tên toàn bộ giấy tờ, thay mặt toàn bộ quy trình để làm việc với các bên, đứng tên hộ trên Sổ đỏ, Sổ hồng. Những lý do cho việc này thường xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Tin tưởng người thân quá mức cho phép nên đưa tiền cho người thân mua, và để cho người thân giữ tiền, đứng tên hộ.
- Tiền kiếm được bất minh, bất chính, không rõ ràng nguồn gốc nên không muốn đứng tên trên giấy tờ liên quan đến bất động sản;
- Vì khoảng cách địa lý, vì sự khác biệt về quốc tịch…;
- Vì nghĩ rằng người đứng tên có thể thay mặt mình, giúp mình đỡ lo lắng, đỡ phải suy nghĩ nhiều về các vấn đề khác nhau liên quan đến các quyền sở hữu, sử dụng nhà, đất nên vô tư nhờ người khác đứng tên hộ.
- Chị chị em em nhưng đến miếng cà rem của em chị cũng ăn mất vì chị tham quá, chị tính toán quá ngay từ đầu nên chị biết rằng chị sẽ lợi dụng tiền của em để cướp hết, cướp sạch.
– …………………………………………………………………………………………..
Mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau, mặc dù tôi biết nhiều trường hợp như vậy trong thực tế nghề nghiệp của tôi nhưng tôi không muốn đề cập, và đúng hơn là tôi không thể đề cập các ví dụ thực tế được. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể thấy, đôi khi là do chính người có tiền chủ động nhờ người khác đứng tên hộ, nhưng cũng đôi khi là những người khác (người thân, bạn bè, môi giới, người làm ăn chung…) là người chủ động “bày” ra cách để người có tiền làm theo. Rất nhiều giao dịch trong số đó là vì những mục đích kiểu như “rửa tiền” và hợp pháp hóa các nguồn tài sản khác nhau. Những giao dịch kiểu này thường xuyên diễn ra, hay lấp bóng và chỉ được biết đến, được phát hiện tới khi mà có tranh chấp xảy ra.
Tuy nhiên, với sự thay đổi của xã hội, càng ngày những giao dịch kiểu này càng ít đi nhiều phần. Bởi lẽ, tư duy của các nhà đầu tư, những người có tiền họ đã khác. Khôn hơn, tinh ranh hơn, hiểu biết hơn và không bị dắt mũi nhiều hơn trước đây nữa.
2. Rủi ro nào khi nhờ người khác đứng tên hộ trên các Giấy tờ liên quan
Xét dưới góc độ pháp lý, pháp luật có cho phép bạn nhờ người khác đứng tên hộ trên Sổ đổ, Sổ hồng hay không?
Xin thưa luôn là KHÔNG.
Bởi vì, theo quy định của pháp luật thì: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”.
Như vậy, vì lý do này hay lý do khác, bạn đang cố gắng, cố tình lừa dối Nhà nước, pháp luật bằng việc nhờ người khác đứng tên hộ trên giấy tờ. Và sự thật thì, người nào đứng tên thì người đó là chủ, Nhà nước và pháp luật đâu có thời gian đi quan tâm những vấn đề khác ngoài việc này. Đến đây bạn sẽ đặt ra câu hỏi rằng, vậy thì liệu nhờ đứng tên như vậy sau này mình có đòi lại được tài sản mà vốn dĩ thuộc về mình từ người đang đứng tên hộ hay không?
Câu trả lời sẽ rơi vào những trường hợp sau đây:
- Trường hợp 1: Không bao giờ đòi được nếu như bạn không có bằng chứng chứng minh cho việc nguồn tiền từ bạn và sự thỏa thuận thống nhất nhờ đứng tên hộ đó, và đặc biệt, dù có có như vậy, thật như thế, nhưng nếu như bạn kiện ra Tòa, Tòa xử bạn thua. Thì ngồi đó mà khóc tiếng mán.
Cứ khóc hoài khóc mãi muôn đời mà thôi. Cả cuộc đời đi kiện tụng, đi đòi lại cái tài sản vốn dĩ thuộc về mình, vui hay buồn, sướng hay khổ? Chắc bạn tự trả lời được chứ cần gì tôi trả lời thay.
- Trường hợp 2: Có khả năng đòi được khi bạn đã chuẩn bị hết các chứng cứ có sẵn để minh chứng cho việc đó rồi. Nhưng buồn một lỗi là bạn cũng chỉ đòi được khi bạn kiện ra Tòa và Tòa xử bạn thắng. Tiếc đau đớn một điều hơn cả là bạn còn phải chia sẻ những lợi ích từ tài sản đó cho người đứng tên hộ cơ, vì họ có công “đứng tên hộ” bạn bây lâu nay, chăm sóc, tỉa tót, bồi dưỡng tài sản cho bạn. Bạn phải bỏ tiền túi ra mà chia cho người ta một phần nào đó chứ, ăn hết được chắc.
- Trường hợp 3: Muôn đời, mọt kiếp không bao giờ đòi nổi lại tài sản đó. Vì chẳng có bằng chứng, chứng cứ nào cả. Với lại, cái người đứng tên họ chết rồi, giờ tài sản chia năm xẻ báy, bán ngược bán xuôi, chia thừa kế. Thì bạn có cái gì để đòi lại ngoài niềm tin và hy vọng cho việc mong sao đòi lại được ? Đúng hông nào?
Tôi biết, có nhiều người có những lý do để giải thích cho việc nhờ người khác đứng tên hộ, và đa phần, ai đưa ra lý do chẳng hợp lý. Nhưng cứ nghĩ mà xem, nhờ thì dễ, nhưng đòi lại khó, khi cơm không lành, canh không còn ngọt, mang nhau ra Tòa tế nhau có phải khổ sở quá không. Kẻ thì có của phải lạy lục xin thằng đứng tên hộ của trả tiền, trả nhà, trả đất. Thằng đứng tên hộ thì to mồm hét lên: “Bố mày éo trả đấy thì mày làm được gì nhể? Đứng tên bố là tài sản của bố? Đòi cái gì mà đòi”. Nghĩ cái cám cảm này nó thấy mệt mệt. Thật sự tôi viết bài này cũng mệt mệt quá luôn vì có nhiều khách hàng tư vấn luật của tôi cứ đến tìm và nhờ những vụ việc kiểu này. Tôi lúc nào cũng bấn loạn với những cảm xúc khác nhau. Kể ra, nghề của tôi nó cũng khổ như nghề đi buồn bất động sản ấy Quý vị ạ!
Vậy thì, nếu nhất quyết cứ muốn nhờ người khác đứng tên hộ vì những lý do mà Quý vị cho rằng “hợp lý” thì cố gắng làm những việc sau đây cho tôi, may ra sau này cái người đứng tên hộ họ lật kèo thì bạn có có chút ít cách thức mà giải quyết:
- Bạn nhớ phải ghi nhận lại các bằng chứng cho việc nguồn tiền là của bạn, bạn chuyển tiền cho ai, như thế nào, bao nhiều đợt, hóa đơn, chứng từ ghi nhận ra sao….Tóm lại là bạn phải có bằng chứng chứng minh tiền là của bạn và ghi nhận lại điều đó bằng các chứng cứ không cần phải chứng minh trước Tòa (lập vi bằng, làm công chứng, chứng thực).
- Bạn cũng cần có một Thỏa thuận nhờ người khác đứng tên hộ và ghi nhận rõ quyền và nghĩa vụ của họ theo thỏa thuận đó (Thỏa thuận này là bất hợp pháp nhưng thực tế nó lại có ý nghĩa là bằng chứng). Nên dù có được nó vẫn tốt hơn là không có gì. Nhớ nhé! Có cái này sau nhờ kiện tụng nó cũng dễ hơn.
- Bạn cần hiểu rõ người mà bạn nhờ đứng tên hộ, cần kiểm soát và cầm trịch được họ, cần biết điểm mạnh, điểm yếu của họ ở đâu để mà luôn lường trước các vấn đề rủi ro xảy ra và phương cách phòng tránh.
- Nên nhớ, liên tục để ý, theo dõi ngôi nhà, mảnh đất đó thường xuyên hơn để tránh trường hợp người đứng tên hoặc những người liên quan cố ý, cố tình xâm phạm và giao dịch tài sản đó của bạn. Khi họ giao dịch tài sản đó của bạn rồi thì việc bạn lấy lại ngôi nhà, mảnh đất đó sẽ khó hơn lên trời. Vì lúc này vấn đề đã phức tạp hơn, người thứ ba mua, thuê ngôi nhà, mảnh đất đó họ rất ngay tình không biết rằng có sự tồn tại của một người chủ thực sự khác. Nên người đó có quyền đối với tài sản đã được mua, thuê từ người “chủ hờ” đứng tên trên giấy tờ.
- Nhớ luôn là giữ các Giấy tờ gốc của mảnh đất, ngôi nhà đó nhé!
- Trong những trường hợp cấp bách, bạn cần thu thập chứng cứ đủ để cần báo cho các cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản mà sự thực nó là của bạn. Thậm chí còn có thể kiện họ về tội lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản của bạn nữa.
Những cách trên và lời khuyên của tôi chỉ thực sự đúng với những trường hợp người chủ thực sự có đủ chứng cứ để bảo vệ quyền sở hữu, sử dụng thực sự của họ. Còn nó sẽ là vô giá trị đối với những trường hợp không có chứng cứ gì hoặc chứng cứ yếu.
Bạn hãy lưu ý, việc này vốn dĩ bạn đã tạo ra điểm yếu, thế yếu cho chính bạn, thậm chí còn sai cả về pháp luật. Vậy nên:
- Bạn có chứng cứ đủ mạnh, đủ sức thì bạn có thể dành lại tài sản, nhưng lâu đấy!
- Bạn không có chứng cứ, chứng cứ yếu thì bạn phải chấp nhận mất tài sản. Khóc một dòng sống, kêu trời kêu đất, cứ khóc đi rồi tỉnh dậy sẽ lại quên ngay ấy mà.
( TG : Nguyễn Anh )